Ba Yếu Tố Của Tính Kiên Cường – Resilience (2)
Theo nhà tâm lý học Martin Seligman, cách chúng ta giải thích về những thất bại trong cuộc đời mình có ảnh hưởng đến mức độ kiên cường của chúng ta.
Seligman gọi đây là phong cách giải thích (explanatory style). Phong cách giải thích này bao gồm ba yếu tố – Mô hình 3Ps
Yếu tố 1: Tính Tạm Thời – Permanence
Những người lạc quan và kiên cường xem chuyện bất như ý xảy ra là tạm thời chứ không phải kéo dài mãi mãi.
Ví dụ, sếp của bạn không hài lòng với một công việc nào đó. Người không kiên cường có thể nghĩ rằng, “Sếp nghĩ tôi tệ quá!” Nhưng người kiên cường sẽ nhìn nhận đó là phản hồi mang tính xây dựng. Họ có thể nghĩ rằng, “Sếp không thích kết quả này. Tôi sẽ cố gắng cải thiện lần sau.”
Yếu tố 2: Tính Phổ Biến – Pervasiveness
Người kiên cường giới hạn ảnh hưởng của chuyện xấu trong phạm vi của nó. Thường thì mình hay để một việc không như ý lan rộng và ảnh hưởng đến khía cạnh khác trong đời sống. Có thể bạn về nhà với tâm trạng tồi tệ và nghĩ rằng, “Tôi chẳng giỏi gì cả.” Nhưng liệu điều đó có thật sự đúng?
Cuộc sống không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Bí quyết là kiềm chế hậu quả, duy trì góc nhìn tích cực và không để những thất bại chi phối mọi thứ khác.
Yếu tố 3: Tính Cá Nhân Hóa – Personalization
Khi mắc lỗi, bạn có xu hướng luôn tự trách mình, hay bạn có thể nhìn nhận mọi việc một cách khách quan, toàn diện, và công bằng hơn cho chính mình?
Người thiếu kiên cường thường bi quan, luôn nghĩ rằng lỗi là do mình, điều này có thể dẫn đến tự ti và trầm cảm. Vì vậy, hãy xem xét tất cả các lý do tại sao một việc gì đó thất bại hoặc tại sao xảy ra sai lầm. Có thể do hoàn cảnh, hoặc có thể bạn cần thêm đào tạo hoặc nguồn lực.

Cảm ơn bạn đã đọc bài dài, đây là bài trong chuỗi series về Trí tuệ Cảm xúc.