Ai trong chúng ta đều cũng phải nói trước đám đông, dù trong cuộc họp nhóm hay khi thuyết trình. Kết quả của việc này ảnh hưởng mạnh mẽ đến cách mọi người nghĩ về chúng ta, vì vậy nó thường gây ra lo lắng và băn khoăn.
Tin tốt là bạn có thể vượt qua sự lo lắng này với sự chuẩn bị và luyện tập kỹ lưỡng. Dưới đây là những kỹ thuật giúp bạn cải thiện kỹ năng nói trước đám đông.

1/ Lập kế hoạch phù hợp
Trước hết, hãy đảm bảo rằng bạn lập kế hoạch giao tiếp một cách cẩn thận. Sử dụng các công cụ như Tam giác hùng biện và 7C trong giao tiếp (Clear – Concise – Concrete – Correct – Coherent – Complete – Courteous tương ứng Rõ ràng – Xúc tích – Cụ thể – Chính xác – Mạch lạc – Đầy đủ – Lịch sự) để suy nghĩ về cách bạn sẽ cấu trúc những gì bạn muốn nói.
Hãy nhớ lại khi bạn đọc một cuốn sách, đoạn đầu tiên gây ấn tượng mạnh với bạn như thế nào; nếu nó không đủ thu hút, bạn có thể sẽ đặt quyển sách xuống ngay. Cho nên, nguyên tắc tương tự cũng áp dụng trong bài phát biểu của bạn: ngay từ đầu, bạn cần gây sự tò mò cho khán giả.
2/ Luyện tập
Có lý do chính đáng để nói câu: “Thực hành tạo nên sự hoàn hảo!” (Pratice makes perfect)
Bạn không thể trở thành một diễn giả tự tin, thuyết phục nếu không luyện tập, đúng không!
Hãy tìm kiếm cơ hội nói chuyện trước người khác. Nếu bạn sắp thuyết trình, hãy chuẩn bị cho nó càng sớm càng tốt để có nhiều thời gian luyện tập. Thực hành nhiều lần khi ở một mình, điều chỉnh ngôn ngữ cho đến khi trôi chảy và mạch lạc. Sau đó, nếu thích hợp, hãy thử nói trước một nhóm nhỏ để nhận phản hồi hữu ích.
3/ Tương tác với khán giả
Một trong những cách thu hút người nghe khi bạn nói. Đó là biết cách tương tác hoặc đặt câu hỏi và khuyến khích mọi người tham gia vào buổi thảo luận. Một trong những việc bạn nên để ý là:
- Chú ý đến cái cách bạn nói.
- Nếu lo lắng, bạn có thể nói nhanh và dễ lỡ lời.
- Hãy hít thở sâu và không ngại dừng lại để suy nghĩ.
- Tránh đọc từng câu từ ghi chú, thay vào đó, lập danh sách từ khóa và cố gắng ghi nhớ nội dung.
4/ Chú ý đến ngôn ngữ cơ thể
Ngôn ngữ cơ thể của bạn rất quan trọng. Nếu bạn lo lắng hoặc không tin vào những gì mình đang nói, khán giả sẽ nhận ra.
Hãy đứng thẳng, hít thở sâu, nhìn vào mắt mọi người và mỉm cười. Đừng dựa vào bục giảng mà hãy đi xung quanh và sử dụng cử chỉ để thu hút khán giả. Sự chuyển động và năng lượng của bạn sẽ làm cho giọng nói trở nên năng động hơn.
5/ Suy nghĩ tích cực
Suy nghĩ tích cực có thể tạo ra sự khác biệt lớn cho sự thành công trong giao tiếp vì nó giúp bạn cảm thấy tự tin hơn.
Nỗi sợ hãi khiến bạn dễ dàng rơi vào vòng luẩn quẩn việc độc thoại tiêu cực, đặc biệt là ngay trước khi bạn thuyết trình. Trong khi những suy nghĩ tiêu cực về bản thân như “Mình sẽ không bao giờ giỏi việc này!” hoặc “Mình sẽ thất bại và mất mặt!” làm giảm sự tự tin của bạn và tăng khả năng bạn sẽ không đạt được những gì bạn thực sự có khả năng.
Điều đặc biệt quan trọng là hãy sử dụng những lời khẳng định và khen ngợi để nâng cao sự tự tin của bạn. Một số ví dụ như “Tôi rất biết ơn vì tôi có cơ hội truyền tải thông điệp này đến khán giả của mình” hoặc “Tôi sẽ làm tốt!”, “Tôi cảm thấy rất phấn khởi”, “Tôi biết mình có khả năng”,…
6/ Đối phó với căng thẳng
Khi phải nói trước người khác, chúng ta luôn để tâm trí tưởng tượng ra những điều khủng khiếp sắp xảy tới. Vì vậy có thể dẫn đến quên đi tất cả những thứ mình muốn nói, hồi hộp, ngất đi vì lo lắng.
Nhưng những điều đó hầu như không bao giờ xảy ra! Chính chúng ta hình thành những lo lắng này trong tâm trí và tự tạo áp lực cho bản thân.
Nhiều người cho rằng việc nói chuyện trước công chúng là nỗi sợ hãi lớn nhất của họ và nỗi sợ thất bại thường là gốc rễ của điều này. Nói trước công chúng có thể khiến phản ứng “chiến đấu hoặc bỏ chạy” (thuyết fight or flight) phát huy tác dụng: adrenaline chảy trong máu, nhịp tim tăng, bạn đổ mồ hôi và hơi thở trở nên nhanh và nông.
Đầu tiên, hãy cố gắng ngừng suy nghĩ về bản thân, sự lo lắng và sợ hãi của bạn. Thay vào đó, hãy tập trung vào khán giả: điều bạn đang nói là “về họ”. Hãy nhớ rằng bạn đang cố gắng giúp đỡ hoặc đào tạo họ theo một cách nào đó và thông điệp của bạn quan trọng hơn nỗi sợ hãi của bạn.
Đừng nghĩ về bản thân quá nhiều mà hãy tập trung vào khán giả và điều bạn muốn truyền đạt. Thực hiện các bài tập thở sâu để làm chậm nhịp tim và cung cấp đủ oxy cho cơ thể. Hít thở sâu từ bụng, giữ hơi và thở ra từ từ. Nhớ nhé!
Những điểm tổng kết
Rất có thể đôi khi bạn sẽ phải phát biểu trước công chúng như một phần tất yếu trong cuộc sống của bạn. Để trở thành một người thuyết trình giỏi hơn, hãy sử dụng các chiến lược sau:
- Lập kế hoạch phù hợp.
- Luyện tập.
- Tương tác với khán giả của bạn.
- Chú ý đến ngôn ngữ cơ thể.
- Suy nghĩ tích cực.
- Hãy đối phó với sự lo lắng của bạn.
Nguồn tham khảo Mindtools
Tổng hợp và biên soạn bởi Leading Team