“Cảm xúc trong trí tuệ”
Mình thích dịch Emotional intelligence (EI) theo kiểu vậy, hơn là thông minh cảm xúc hay trí tuệ cảm xúc.
Đại khái là chấp nhận cảm xúc vì nó là một phần đương nhiên của thế gian, không thể và không nên có ý loại bỏ, hay muốn kiểm soát nó theo một ý muốn nào đấy.
Chấp nhận cảm xúc và sống đời sống cảm xúc trong sự hiểu biết.
“Hiểu để thương”.
Một trong những mô hình chi tiết về EI mà mình ít gặp khi đọc các tài liệu và bài viết là 12 năng lực như hình.
Nôm na là để phát triển EI thì chúng ta sẽ luyện tập 12 năng lực này mỗi thời khắc.
Thường thì một khóa học “kỹ năng” EI từ 1 đến 2 ngày rất khó để lướt qua hết cả 12 món. Nhưng mỗi món này đều có liên quan đến một kỹ năng nào đó trong tập hợp các kỹ năng mềm. Ví dụ Influence thì có mô hình lãnh đạo influence hay kỹ năng gây ảnh hưởng,… và một người xây dựng bài giảng trên nền tảng EI sẽ đưa vào thực hành theo hướng phát triển EI cho học viên.
Điều quan trọng nhận thấy là 12 năng lực này đều là những thứ rất thực tế, cần thiết cho đời sống nói chung và làm việc nói riêng.
Ví dụ năng lực quản lý mâu thuẫn, sau chữ mâu thuẫn là cảm xúc, bản chất là quản lý cảm xúc trước. Khi nền tảng cảm xúc ổn rồi thì xung đột có khi tự hóa giải luôn chứ chẳng cần phải giải quyết gì nữa. Rõ ràng đây là chuyện thường của thế gian, mâu thuẫn diễn ra khắp nơi, và cảm xúc tiêu cực đi cùng mâu thuẫn cũng vung vãi khắp nơi.
Hiểu EI là gì, và nhận diện các năng lực hành vi cần trang bị, sau đó xét EI trong mối quan hệ với các khía cạnh của cuộc sống, không tách rời cảm xúc ra khỏi đời sống, cũng không “thần thánh” EI lên như một món đặc sản. Là cách mình tiếp cận, thực hành, và chia sẻ với học viên.

Nguồn hình và nội dung tham khảo từ các nghiên cứu của Daniel Goleman và Richard E. Boyatzis.
Đây là bài khởi đầu cho series tiếp theo sẽ đăng dần trên LEADINGTEAM.
Tác giả Đỗ Xuân Hoà