Trong lớp MBA, ông thầy người Đức cho tụi mình làm 1 bài tập so sánh lựa chọn 2 địa điểm để mở quán cà phê. Buổi thảo luận diễn ra có vẻ thoải mái và dường như đánh giá cao buổi học đấy.
Nhưng riêng mình vừa thấy tiếc tiền, vừa tiếc thời gian. Mình học MBA, ở khía cạnh này, cần kiến thức mới, cần chia sẻ và giảng dạy thật sâu từ thầy.
Khi làm trainer giảng dạy tại các doanh nghiệp thì mình thường nhận được yêu cầu là lớp học phải sôi động, theo nghĩa phải có nhiều hoạt động chứ không giảng bài như thầy cô dạy ở phổ thông hay đại học. Thậm chí, có nơi còn đặt tên chỉ mặt rõ ràng là chơi game nhiều vào.
Để đáp ứng yêu cầu, rất nhiều trainer tìm cách biến khóa học trở thành 1 buổi chơi game.
Trải nghiệm, đúc kết bài học, lấy học viên làm trọng tâm, người học trưởng thành,… những thuật ngữ rất là sang miệng, là cơ sở lý luận để thay vì giảng dạy, người dạy trở thành người gì mà Facilitator – dẫn dắt.
Thật ra, chẳng ai đảm bảo người học có tự đúc kết, rút ra bài học, và thật sự học được điều mà họ muốn, tổ chức muốn, công việc cần không?
Điều gì sẽ xảy ra khi học viên tự loại bỏ những thứ mà tổ chức rất cần, tương lai của họ rất cần?
Phương pháp lấy học viên làm trọng tâm – Gamification,… dẫn đến Training Center có nguy cơ biến thành Gaming Center.
Tương tự các doanh nghiệp tổ chức teambuilding, tất cả cán bộ nhân viên đến một địa điểm nào đó ví dụ bãi biển và tham gia các hoạt động gọi là xây dựng nhóm. Nhưng không có một ý nghĩa nào hay một bài học nào rút ra từ những hoạt động đó cả. Chỉ là một buổi chơi thuần túy và thậm chí trong các hoạt động chơi đó bộc lộ ra rất nhiều cái xấu xí của tham sân.
Người tổ chức chỉ cần làm sao vui là được, nó có gắn gì với văn hóa, có truyền đạt giá trị nào đó hay là mang lại những bài học gắn kết có chủ đích không? Những bài học đúc kết được, chia sẻ cho nhau sau chương trình gần như chưa bao giờ có. Cũng hiếm thấy có vị lãnh đạo nào đứng ra phát biểu trước và sau teambuilding để giúp cán bộ nhân viên nhận ra được thông điệp, hành vi và giá trị tổ chức mong đợi.
Lớp học cần phải có cả nền tảng lý thuyết và phải hiểu đúng, nắm được bản chất để định hình lại nhận thức và tri thức đó sẽ giúp chúng ta thực hành đúng. Hiểu đúng thì mới thương đúng cách.
Theo UNESCO, mục đích của sự học, câu đầu tiên đó là “học để biết” trước đã. Rồi sau đó mới là “học để làm”. Làm được thì lúc đó chúng ta mới có thể “học để khẳng định bản thân”. Và khi chúng ta khẳng định được bản thân, có thể sống tự lập thì lúc này chúng ta mới có thể “học để sống được với người khác”.
Nên lớp học kiểu gì cũng cần song song: học và hành
Dạy và trải nghiệm
- Dạy để đảm bảo nhận cái cần nhận, hiểu đúng thứ phải hiểu đúng.
- Trải nghiệm là cách nói khác của thực hành.
Đôi khi chèn vào những hoạt động trò chơi giúp người học vận động vui vẻ thoải mái, với mục đích vui để học chứ không phải ngược lại.
Chứ không phải là biến lớp học trở thành một cái nơi để chơi vui.
Tác giả: Đỗ Xuân Hoà
Xem tiếp Phần 8: Giảng viên nội bộ 3C