Một trong những nguyên nhân làm cho các cấp quản lý ở trong tổ chức ít mặn mà với hoạt động đào tạo là vì đào tạo đang bị bóc tách ra khỏi hoạt động quản trị nguồn nhân lực.
Khiến họ không nghĩ, hoặc quên rằng, đào tạo là chức năng quan trọng của nhân sự.
Cũng không biết từ khi nào hoạt động đào tạo lại được tách ra thành 1 đơn vị độc lập. Mặc dù cùng chung 1 khối nhân sự. Người đứng đầu của hoạt động đào tạo cũng là người đứng đầu của phòng nhân sự. Nhưng thường cấp này đã thuộc về ban điều hành, ít sâu sát chi tiết, và bản thân người này 1 là không có mạnh về đào tạo, 2 là cũng xem nhẹ đào tạo, ba là chính họ không coi đào tạo nằm trong chuỗi chức năng của nhân sự ( người đứng đầu khối nhân sự lại thường là người không có chuyên môn nhân sự). Họ rất dễ tán đồng việc tách đào tạo ra thành 1 đơn vị độc lập.
Thật ra độc lập cũng có cái hay là vận hành thuận lợi, và có vẻ như đó là dấu ấn của việc nhấn mạnh tầm quan trọng ấy chứ. Độc lập thì mình mới có cơ hội làm giám đốc trung tâm, học viện đào tạo, nghe hoành tráng.
Nhưng chuyện là thế này.
Chức năng trong quản trị nguồn nhân lực tóm gọn trong 5 chữ rất dễ nhớ đó là: Tuyển; Dụng; Đào; Phát; Thải. Do một đàn anh nói chớ không phải mình nói.
Nôm na, Tuyển là tuyển chọn đưa người vào doanh nghiệp, dụng tức là dùng người bố trí nhân sự cắt cử giao việc. Đào tức là đào tạo. Và phát là phát triển sự nghiệp thăng tiến,… vân vân và cuối cùng khi không sử dụng được nữa thì sẽ sa thải.
Như vậy đào tạo là một trong những chức năng và nằm trong chuỗi vận hành của quản trị nguồn nhân lực. Ví dụ đầu vào của đào tạo chính là đầu ra của tuyển dụng, tuyển một người mới vào thì họ phải học lớp hội nhập đào tạo nghề tân tuyển,…
Thực tế nguồn data trong khối nhân sự không được quản trị và sử dụng liên mạch.
Hiếm lắm mới có người đứng đầu khối quản trị nguồn nhân lực đủ khả năng làm nhạc trưởng, dùng data và hội họp các trưởng phòng chức năng cùng giải quyết bài toán nhân lực chung.
Ví dụ đơn giản là mình vẫn thường đề xuất ý tưởng là khi bộ phận tuyển dụng đến các trường tổ chức hội thảo, mình nói rằng 1 trong những giá trị mà đào tạo có thể cùng với bạn làm là đào tạo sẽ cung cấp các buổi nói chuyện các khóa kỹ năng mềm như là 1 gói quà tặng. Thậm chí mình còn từng chia sẻ với các đơn vị kinh doanh là đào tạo có thể là đối tác với các anh chị trong việc bán sản phẩm ví dụ nếu anh chị tới một doanh nghiệp nào đó có thể đề nghị với họ anh chị sẽ tặng cho họ 1 số khóa đào tạo, tại sao không?
Hệ lụy của việc tách đào tạo ra là người ta nhìn đào tạo dưới một cái góc độ rất nhỏ hẹp. Có người còn nhầm tưởng đào tạo là 1 phần của phòng Hành chính tổng hợp mặc dù nó nằm trong khối nhân sự.
Ngày nay, đào tạo không chỉ là Training. Nhiều doanh nghiệp đổi tên chức năng này, đặt tên là Trung tâm Learning and Development. Xu hướng chuyển đổi này nói nửa ngày chưa hết lý do và lợi ích cũng như cách vận hành. Riêng mảng Learning đã là 1 chức năng đòi hỏi có kiến thức chuyên môn cao mà người học quản trị nguồn nhân lực phải học, chứ không chỉ bưng bê bàn ghế đặt phòng trà bánh và đi dạy. Development lại hay tách ra làm mảng riêng nữa, thì thôi cũng được, miễn là tách mà không đứt rời. Rất nhiều kiến thức chuyên môn mà người làm công tác L&D chưa được học, vì đa phần người làm đào tạo trong doanh nghiệp ngày nay là dân “tay ngang”, “bị đẩy” từ chỗ này chỗ kia về (vì cấp trên nghĩ làm đào tạo có đòi hỏi chuyên môn gì đâu, ai làm chả được).
Ở lớp quản lý hoạt động hiệu quả đào tạo nọ, mình được mời tới làm speaker chia sẻ. Có anh học viên nói lý do gì mà anh kêu tụi tui đang làm training mà nay phải làm thêm development, talent với succession planning này nọ…?
Nếu người làm người đào tạo mà mình còn chưa đảm bảo năng lực như thế thì làm sao đòi hỏi đồng nghiệp trong hệ thống nhìn nhận chúng ta 1 cách toàn diện và trọn vẹn được. Và khi họ không nhìn nhận đầy đủ giá trị mà chúng ta có thể mang lại cho họ thì chúng ta cũng không thể trách tại sao họ lại hời hợt trong hoạt động đào tạo.
Đây cũng là 1 trong những điều mà những người làm đào tạo sẽ phải trăn trở nhiều hơn và cố gắng kiến tạo nhiều hơn để xây dựng mô hình và hoạt động đào tạo ngày càng có năng lực chuyên môn tốt hơn, là đối tác của các phòng ban và đơn vị kinh doanh trong hệ thống.
Tác giả: Đỗ Xuân Hoà